Truyen Ngan

Picture


  Như tiếng thở dài

Hoàng Chính 

 

1979

Giận người yêu, tôi cắt hộ khẩu, khăn gói về Kiên Giang. Yêu nhau bẩy tám năm trời sao lại giận dễ dàng như thế. Trong đầu tôi những câu thơ Nguyễn Tất Nhiên không lúc nào buông tha. Thế nào rồi em cũng bỏ tôi, như những hoàng hôn bỏ mặt trời. Nỗi lo âu lạc mất nhau lúc nào cũng thấp thoáng mới thấy quý tình yêu. Xa nhau chỉ nên đủ để nhớ nhau chứ đừng để đến nỗi quên nhau. Dặn dò nhau hoài như thế. Bác sĩ lấy nha sĩ, cả hai cùng mới ra trường. Còn gì xứng hơn. Nhưng bố mẹ Th. không nghĩ thế. Và tôi có nhùng nhằng mãi ở Sài Gòn sau khi nhận lệnh phân công về ty y tế cái tỉnh ở gần cuối dải đất hình chữ S thì cuối cùng cũng phải khăn gói lên đường.
Giận cái người bên hiếu bên tình, tôi bỏ đi.


1982

Đêm đậm đặc. Những túp lều trống trải. Gió cũng ngủ say trước cơn bão nhiệt đới. Xoay xở mãi không ngủ được. Tôi trở mình hết bên này lại bên kia. Bên này. Hai chị em cô gái Sài Gòn. Tiếng thở đều xa vắng. Tiếng sụt sùi nhớ bố mẹ bên nhà.  Tiếng ngáy ở góc phòng rôm rả như tiếng ve sầu ngày hạ. Tôi rén rén ra ngồi ngoài bậc thềm. Thằng tị nạn, mày làm gì ở đây giờ này. Gã giám thị trại người Hoa, hiện ra như quỷ nhập tràng, bất ngờ bật đèn bin, chiếu vào mắt tôi. Tôi tất tả lủi về chỗ nằm. Tiếng trẻ con khóc ở phòng bên. Người đàn bà đi vượt biên một mình. Tiếng ru con ảo não. Ầu ơ, dí dầu cầu dán đóng đinh. Cầu trẻ lắc lẻo dập dình khó đi.
Cái người con gái Bắc kia chắc không ru con như thế.
Nhưng cũng sẽ ru con. Sẽ ru con.
Những buổi sáng mê mải trong phòng khám ngoại chẩn trại tị nạn. Tiếng khóc của những đứa bé gượng ép ra đời. Cha đi định cư một nơi, mẹ chưa được phỏng vấn, ở lại ru con. Ru con. Tiếng khóc nát nhàu không gian. Mưa. Mưa. Mưa ở Pulau Bidong, mưa ở Sungai Besi, mưa ở Galang, mưa ờ Trengganu, mưa ở những nơi không phải quê nhà.
Mai sau ở xứ người, thiên hạ có còn hát ầu ơ khi ru con ngủ không nhỉ.


1986

Cái trục quay đều. Động cơ chạy rầm rập. Sàn gỗ rung rinh. Thằng cai vuốt những ngón tay sần sùi lên cây cọ, gật gù hài lòng. Very good, very good. More speed. More speed. Tôi nhìn nó. Nó nhìn tôi. More speed? Yes, more speed.
Tôi nhìn nó.
Nó nhìn tôi. More speed, Doctor.
Những câu thơ chép vào mảnh giấy. Buổi tối. Dặn dò người ru con ở nơi xa lắc. Dặn dò người thiếu phụ chung phòng trong trại tị nạn năm nào. Dặn dò những thiếu phụ Nam Xương rằng chúng ta chẳng còn gì, ngoài con mắt trẻ thơ đang đăm đắm ngước nhìn khuôn mặt tiều tụy mẹ hiền khi miệng ngậm núm vú quắt queo và bầu sữa khô hạn nhăn nheo.
Hãy nhắc với trẻ thơ rằng mình còn có một quê hương, hay đã từng có một quê hương; rằng trong dĩ vãng xa lắc lơ kia, có những người đã không phụ bạc quê nhà.
What are you writing, Doc? Thằng cai hỏi. Shopping list or List of things to do?
List of things to do. Tôi trả lời rồi nói qua tiếng Việt cho một mình tôi nghe. Cho những kẻ ăn nhờ ở đậu.


tình khúc lỡ làng
hoàng chính

chiều nay khi dạo khúc nguyệt cầm
trong vườn kỷ niệm đã mù tăm
em làm ơn nhớ tôi hồi đó
đã từng mơ lấp biển dời non
chiều nay khi ru ngủ con thơ
hãy đọc thơ tôi thật hững hờ
nếu như thời thế đừng như thế
chắc tôi đã tay kiếm, tay cờ
chiều nay khi dạy con đánh vần
nhớ dạy thêm giùm cái tên quen
mai sau người mỹ da vàng ấy
còn có trong lòng chút việt nam
1986


1991

Nửa Đêm Nghe Mẹ Thở Dài. Góp mặt với nhân gian lần thứ nhất. Cái thời người ta còn dành một chỗ cho văn chương. Mùa hạ bên ngoài. Nắng theo những tà áo vào căn phòng chữ nhật. Những cuốn thơ thơm mùi giấy mới.
Hồi nãy trước khi lại đây, tôi mở tập thơ ông ra xem một lần chót, bắt gặp bài thơ này. Không thể đừng được, tôi viết cho nó những nốt nhạc.
Nhạc sĩ Hưng Ca. Nhà báo. Nhà văn. Nhà thơ. Nhà xuất bản. Bao nhiêu thứ trong một con người. Anh đàn và hát. Không gian đặc quánh. Mọi người chăm chú nghe. Tôi nghe. Lòng xoắn lại.
Ai đó có ru con, nhớ dạy nó đánh vần một cái tên, cái tên mà ngày xưa mẹ nó đã viết hoài lên trang vở.
Buổi ra mắt sách đông vui.
Thuở ấy người ta còn thiết tha với tiếng mẹ.
Thuở ấy người ta còn biết thương nhớ quê nhà.
Những con mắt rưng rưng. Cháu nhớ ký tên vào cuốn sách cho bác đấy nhé. Hãy cứ giữ được cho lòng mình một chút Việt Nam thế cũng đủ.
Những năm tháng ấy người ta còn biết xót thương quê nhà.


2009

Đứa bé ngậm vú mẹ ngày xưa trong trại tị nạn giờ này ở đâu.
Gặp nhau ở một thành phố cách nơi mình ở cả trăm cây số, anh bảo hôm trước dọn nhà, tình cờ tìm gặp bài nhạc năm xưa. Tiếc bây giờ không có cây đàn guitar để tôi hát lại cho ông nghe.
Tôi chọn cái tên Như Tiếng Thở Dài cho bài hát ấy. Anh bảo tôi như thế mười tám năm trước. Tôi không mấy đồng ý nhưng bây giờ tôi thích cái tên anh chọn. Người cũ đã xa. Tình xưa chỉ còn là chuyện kể. Tình mình đang có hôm nay sẽ là tình mãi mãi. (Phải vậy không, Nửa Kia của tôi?). Nhưng những người Mỹ da vàng – như đứa bé ngậm vú mẹ trong trại tị nạn năm xưa – hôm nay còn được mấy người thực sự nói chứ không ói tiếng Việt, và viết chứ không giết tiếng Việt.
Tất cả chỉ như tiếng thở dài.


 

 

__._,_.___