Truyen Ngan



Đôi Chim Sáo

Lời tác giả:

Mùa thu sắp trở về, những mùa thu rất ngắn của đất trời vẫn mỗi năm một lần trở lại, nhưng những mùa thu của đời người thì mãi mãi ra đi. Khu vườn nhuốm chút heo may để giàn mướp rung rinh những bông hoa cuối mùa, bụi mía xào xạc thoảng qua hồn chút gió hắt hiu, và đôi chim sáo vẫn mải miết tìm mồi trên sân cỏ úa...

"Đôi chim sáo" là hình ảnh một đôi vợ chồng già, khi những con sáo non đã đủ lông đủ cánh để bay đi xa lìa cha mẹ, chỉ còn lại đôi sáo già buồn bã, ủ ê trong cái tổ ẩm ướt với những ngày Đông dài lê thê . . . "

Nguyên Nhung

      

Khi người hàng xóm sửa chữa lại chỗ mái hiên bị giột, là từ lúc ấy đôi vợ chồng chim bị mất tổ. Không biết đấy có phải là nỗi éo le của cuộc đời, hạnh phúc của kẻ này lại là nỗi bất hạnh của người kia, vẫn hay kề cận bên nhau khi cuộc sống luôn luôn là những thay đổi. Như một thành phố được tân trang cho mới mẻ, lại cũng mất đi nét cổ kính của một vẻ đẹp yên tĩnh, rất nên thơ.

      Mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa thức dậy, vợ chồng đôi chim sáo đã lo tần tảo kiếm ăn. Tôi không biết đó là loại chim gì, nhưng tiếng hót khá hay, với màu lông xám có một mảng phơn phớt bạc ở trên đầu. Mình to gấp hai lần chim sẻ, tôi cho chúng là một loại sáo, vì chúng hay hót, có khi hót cả ngày vì một điều gì vui trong thế giới của loài chim.

       Đấy là một đôi vợ chồng chăm chỉ, còn trẻ tuổi, chưa con cái. Hôm nào mưa, anh chồng bay lên sợi dây điện, ngó quanh, hót lên mấy tiếng, có ý than thở cảnh đất trời u ám, khiến một kẻ chăm làm tham công tiếc việc phải bất đắc dĩ nghỉ ngơi. Còn lại chị vợ trong hốc tối ở mái hiên, chị cũng hay hót, như đàn bà thường lắm điều hơn đàn ông, thỉnh thoảng chị bay sà xuống cây thông đất trước cửa nhà tôi để rỉa lông, rỉa cánh.

      

Khoảng đầu xuân, khi vợ chồng chim đến làm tổ trên cái hốc tối con con nơi mái hiên nhà hàng xóm, tôi thấy họ bận rộn lắm. Qua khung cửa kính, tôi quan sát đôi chim như một đôi vợ chồng mới cưới, có thể cô vợ đang mang thai, và họ cần một tổ ấm cho gia đình. Vợ chồng sáo ríu rít vào ra cái hốc nhỏ, được hình thành khi mảnh ván bị mục vì nước mưa, lâu ngày đã vô tình khoét một chỗ trống, vừa vặn cho gia đình một đôi chim sáo.

      Hai người trẻ tuổi yêu nhau, bước vào đời rộn ràng như thế nào thì đôi chim sáo cũng y như vậy. Từ mờ sáng, ánh đèn đường còn lung linh dưới tàn cây tối thẫm, tôi đã nghe đôi chim ríu rít, trò truyện. Họ dậy sớm lắm, sớm hơn cả lũ trẻ phải dậy đi học, nhất là những ngày vào Xuân, năm ấy đâu là mùa Xuân đầu tiên của vợ chồng sáo. Không biết họ ở đâu đến đây, nhưng ngay những ngày đầu, tiếng hót của họ đã làm những người trong khu chung cư thức dậy, và biết là mùa xuân đã tới. Những giọt mưa xuân đêm qua còn lóng lánh trên những lá cỏ non, khi bình minh đến, chiếu những tia nắng dịu dàng lên cỏ hoa, để những giọt nước li ti ấy biến thành những viên kim cương diễm lệ.

       Đúng là những người yêu đời nhất thế gian, đôi vợ chồng chim bắt tay vào việc xây dựng tổ ấm rất hăng hái, bay ra bay vào suốt ngày, mỗi lần trở về lại cắp theo một nhánh cây khô, một cọng cỏ héo, và cả những chiếc lá xanh. Họ có cái rộn ràng, tất bật khi phải cố hoàn thành cho nhanh, một cái nôi cho lũ con thơ sắp chào đời nay mai. Được một dạo, khi anh chồng đi kiếm ăn, chị vợ có vẻ mệt mỏi đậu xuống cành thông đất trước hiên nhà, chị hững hờ mổ mổ chiếc lá non, như người phụ nữ đang mang thai thèm ăn dở.

       Sáng nào, tôi cũng ngồi hằng giờ ngắm nghía hạnh phúc của vợ chồng chim sáo, ngay cả khi chị sáo khẽ khàng đậu trên nhánh thông, tôi cũng không dám mở cửa, sợ kinh động cái thảnh thơi của chị. Chị sáo có cái thảnh thơi của một tâm hồn trong sáng, hình như không có gì để suy nghĩ ngoài những hạnh phúc chị đang có. Chị nhảy từ cành này sang cành kia, thỉnh thoảng lơ đãng ngó mông lên rặng cây bên đường, có thể chị đang nghĩ đến anh chồng đang luẩn quẩn đâu đó. Khi anh sáo về, chị cũng cuống quýt bay lên, đôi vợ chồng chim lại lục đục trên cái hốc tối. Ấm áp lắm, nồng nàn lắm, tôi ưa nhìn cái hạnh phúc của muôn loài, và cảm nhận được cái vui từ chút hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản ấy.

         Đấy là những ngày đầu tiên của vợ chồng chim sáo, hạnh phúc khi có thì ở đâu cũng hạnh phúc, chưa chắc gì trong những căn phòng đẹp đẽ, tiện nghi của loài người, hạnh phúc đã thèm hiện diện.

       

Đôi vợ chồng chim sống thật êm đềm, đơn giản đến không còn gì đơn giản hơn. Sáng. Dậy sớm. Hỏi han nhau ba điều bốn chuyện, qua những tiếng hót làm vui tai mọi loài. Rồi khi nắng lên, bay đi kiếm ăn. Tuy nhiên, họ lại là những kẻ rất chu đáo trong vấn đề chăm sóc gia đình, rất bận rộn cho miếng ăn hằng ngày, nhưng vẫn không bỏ bê nhà cửa. Tôi thấy vợ chồng sáo về nhà luôn luôn, tha thêm những nhánh cỏ khô, chiếc lá héo.Tôi tưởng tượng trên đống cỏ khô được khoanh tròn lại bằng những chiếc mỏ khéo léo của vợ chồng sáo, dăm chiếc trứng xinh xinh, tròn trĩnh đã được chị vợ sắp xếp gọn gàng, vừa đủ cho chị mỗi ngày ủ ấp lũ con thơ, đang hình thành trong lớp vỏ trứng.

        Cái ấp yêu của vợ sáo, là cái ấp yêu của những người mẹ yêu con ngay từ lúc còn là bào thai, vừa mới tượng hình trong lòng mẹ. Tình mẫu tử đã được ràng buộc giữa mẹ và con, chị sáo cũng như bao người mẹ khác, đã nâng niu những đứa con yêu của chị trong những quả trứng mỏng manh kia. Chị sáo chắc hẳn cũng đã từng nghe ngóng, chờ đợi. Một hôm nào nghe lũ con cựa mình trong vỏ trứng, rất khẽ khàng chị dùng chiếc mỏ cứng, giúp con đẩy chiếc cửa đầu tiên vào đời. Mấy chú sáo non run rẩy, trần trụi lớp lông tơ, nếu không có tổ ấm của cha, sự săn sóc của mẹ, làm sao để sống?

         Từ đấy, tôi có cái ngạc nhiên khi nhìn cuộc đời ở một khía cạnh khác, khi biết rằng trong thế giới loài người, có những người con thành đạt, lớn lên trong nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, đã hắt hủi cái tổ ấm của mình, và nhìn nó bằng những đôi mắt ghẻ lạnh.

         Khi lũ con ra đời thì vợ chồng sáo có vẻ bận rộn hơn. Ở góc cạnh này, tôi rất khâm phục anh sáo, nếu là người, anh rất xứng đáng là một người cha gương mẫu. Anh ta vốn là một người chăm chỉ, bây giờ lại càng chăm chỉ hơn, khi trên chiếc tổ chim ấy, đã vang lên tiếng liếp chiếp đòi ăn của bầy con dại. Chị sáo dạo này thỉnh thoảng mới bay ra cây thông, có lẽ vì bận con mọn. Trông chị có vẻ tất bật, không còn cái vẻ thảnh thơi của độ còn son rỗi, vì lo ngại lũ con thơ có thể lăn ra khỏi tổ lúc chị vắng nhà, rồi cứ thế lăn lông lốc xuống thềm xi măng dưới kia, thì dẫu có Trời giúp, chị vẫn không đủ sức để đem con về tổ. Quan sát kỹ để thấy, chị luôn luôn lấp ló nơi cửa , đầu ló ra ngoài, hai con mắt trong veo như hai hạt đậu. Người mẹ ấy chăm sóc con cẩn thận lắm, lũ sáo non dường như đã được đẩy tít vào phía trong, cho dù một cơn gió lang thang, cũng không thể thổi hắt vào cái tổ nhỏ bé ấy.

              

*    *    *

      Qua hết mùa hè, mải miết kiếm ăn nuôi lũ con thơ, anh sáo trông có vẻ phờ phạc hơn. Tôi rất khâm phục sự hy sinh của anh. Khoảng cách từ nhà anh ra rặng cây xanh không xa, vì anh bay khá nhanh, nhưng phải nói sự vật lộn để mưu sinh giữa chợ đời đâu phải là dễ dàng, khi trên ấy có đủ loại khác nhau như sóc, quạ, hoàng oanh, chim sẻ. . . . Anh sáo chắc có lúc cũng nhận ra cái thực tế phũ phàng và cay đắng trong việc tìm miếng cơm, manh áo, sự tranh giành giữa muôn loài với nhau, đâu có gì là dễ chịu, cho dù anh có đạt được chân lý “ăn để sống”.

       Cuối hè ấy, khi lũ chim non đã đủ lông đủ cánh, tôi thấy mấy cái đầu xinh xinh ngó ngó, nghênh nghênh ngoài cửa tổ, chiêm chiếp kêu. Chị sáo cũng phục hồi sau thời gian ở cữ, tròn trịa hơn, mũm mĩm và xinh đẹp hơn, như người đàn bà sau kỳ sinh nở, những đường nét trên cơ thể nẩy nở ra như một đóa hoa thời kỳ mãn khai.. Lũ con lớn hơn thì người cha càng vất vả, có vẻ như kiệt sức, bộ lông sáo không mượt mà như xưa, cái nóng của mùa hè khiến anh thêm hốc hác. Trong nhà, người ta mở máy lạnh suốt ngày đêm, lúc cần ra đường, người ta vội vã chui ngay vào xe, rồi hối hả đi vào những căn phòng có máy lạnh khác. Chắc anh sáo cũng mệt mỏi lắm. Anh phải đi kiếm ăn, suốt ngày bay tới bay lui từ hàng hiên ra rặng cây xồi ven đường, lúc ấy râm ran những tiếng ve gọi hè, chỉ còn mẹ con nhà sáo chui rúc trong cái tổ nóng bức chật chội. Ba đứa con chưa biết bay, nhưng ăn tợn, thỉnh thoảng tôi thấy chị sáo cùng chồng bay xuống sân cỏ, nhặt nhạnh những hạt cơm, vụn bánh, hột cỏ rồi lại bay ù về tổ. Bây giờ chị cũng phải cùng chồng đi tìm mồi về nuôi lũ con háu đói kia, chiêm chiếp suốt ngày đến sốt ruột.

       Sang đầu thu, mẹ sáo dạy con tập bay. Mới đầu là những khoảng ngắn từ tổ xuống hàng hiên, những cánh chim non sợ hãi, rụt rè bay xuống hiên, rồi lại bay về tổ. Những bước chân chập chững vào đời, trong nỗi buồn vui của cha mẹ. Như còn đấy, như mất đấy, một ngày nào tổ ấm sẽ yên lặng, không còn tiếng chim vui như tiếng trẻ khóc, trẻ học. Khi những đứa con lớn lên, sắp ra khỏi tầm tay cha mẹ, là lúc ấy đời dường như ngắn lại, rồi ở đâu kia đã hình dung ra màu tàn phai của những chiếc lá héo, thấy mình trong gương bỗng xa lạ với mình ngày trẻ tuổi.

        Ngày hôm ấy là một sáng đẹp trời, tôi đã nhìn thấy, nghe thấy lũ sáo con ríu rít bay ra khỏi tổ. Không hiểu vợ chồng sáo buồn hay vui, khi thấy con mình đã đủ sức bay đi, rồi mấy đứa đã quay về cái nôi êm ái đó?

        Lũ sáo con thật hồn nhiên khi mở to đôi mắt nhìn bầu trời khoảng khoát, rồi như kẻ đã nhìn thấy tự do, chúng bật lên những tiếng hót thánh thót, du dương như một bản nhạc vui. Cái gì cũng mới lạ, khoảng trời xanh bao la cho những cánh chim rộn ràng xoải cánh đến những vùng trời thênh thang, trên vòm cây xanh, những âm thanh mời gọi của bạn bè khiến lòng nao nức lạ. Phải nhập cuộc thôi, một khung trời mới mẻ có hoa thơm và mồi ngon, để túy lúy với men say cuộc đời. Trong những con người trẻ, tâm hồn trẻ, đâu đã biết ngậm ngùi trước cảnh chia ly với mái ấm gia đình.

      Tôi đã nhìn thấy những con sáo con bay ra khỏi tổ vào đầu thu hôm ấy. Nó có trở về không nhỉ? Làm sao tôi có một câu trả lời, nhưng tôi cứ chờ đợi, như đợi những đứa con của mình đi đâu đó, sẽ trở về, sẽ mãi mãi không bao giờ quên tổ ấm. 

*    *    *

       Sang thu, có một chút heo may chợt đến vào buổi chiều, gia đình sáo có vẻ yên lặng hơn, vì những đứa con chưa trở về. Anh chị sáo buổi sáng vẫn dậy sớm từ mờ đất. Hôm ấy có thể mặt trời không lên, đám mây xám giăng ngang bầu trời, cho cơn mưa thu chợt đến và kéo dài suốt những ngày tháng tám.

     Mưa kéo dài suốt một mùa thu, vài cơn bão rớt từ đâu ghé lại khiến lòng người cũng chùng xuống bao nhung nhớ. Cây cỏ ướt sũng dưới mưa, vợ chồng chim thưa thớt tiếng chim vui, những giọt mưa luồn vào tấm gỗ mục trên mái hiên, làm tổ ấm của đôi chim chừng ẩm ướt hẳn đi.

     Vào mùa thu, vài tia nắng dịu dàng ươm trên hàng cây đã có nhiều lá úa, để một cơn gió tới, đã cuốn theo những chiếc lá vàng từ trên cây rớt xuống như mưa, rồiø cứ thế lăn tròn xuống cuối dốc. Mùa thu bao giờ cũng ngắn ngủi và rưng rưng buồn, giàn mướp hương còn lại những chiếc lá cuối cùng vẫn xào xạc nghe như dư âm của một cung đàn đềm êm trong quá khứ. . .

      Hết mùa thu lại tới một mùa đông, không gian như càng ảm đạm và lạnh lẽo. Gã mặt trời lười biếng không thức dậy, ánh đèn vẫn tỏa sáng trong vòm cây tối. Vợ chồng sáo không hót lên câu chào hỏi mỗi ban mai, những giọt mưa mùa đông vẫn rớt trên mặt đường, loang loáng ánh đèn từ những chiếc xe qua lại vội vã.

      Vợ chồng sáo như đôi vợ chồng già, lủi thủi trong chiếc tổ ẩm ướt, nùi cỏ khô như tả tơi thêm khi anh sáo già không có cái hăng hái ngày trẻ tuổi, đi tha những cọng cỏ khô về làm tổ cho lũ con.. Thỉnh thoảng, vào một ngày khô ráo. vài tia nắng yếu ớt lách ra khỏi màn mây màu xám đục, tỏa xuống nhân gian một chút ấm áp. Anh chị sáo bay ra khỏi tổ, đậu trên sợi giây điện, hai cái bóng chim như hai nốt nhạc sậm màu cho một bản nhạc buồn.

       Sao tôi ngậm ngùi thế. Buổi sáng, chỉ còn một mình trong căn phòng vắng, tôi nghe đôi chim sáo buông ra những tiếng kêu rời rạc, khắc khoải như tiếng ca cẩm cái chân đau, chiếc lưng mỏi cho một tuổi già lụm khụm.

       Hết mùa Đông, lũ sáo con vẫn không trở về, nhưng một biến cố đã xảy ra cho đôi vợ chồng sáo. Người ta chuẩn bị sửa nhà đón mùa xuân mới, người hàng xóm đã gọi thợ đến sửa lại mái hiên bị giột, thay vào đó một tấm ván mới, bít lại cái tổ chim. Khi đám thợ mang cưa, búa, gỗ đến, tôi thấy đôi chim hoảng hốt bay ra, mắt nhớn nhác nhìn loài người như một loài quỷ dữ, nhất là khi âm thanh của tiếng cưa kèn kẹt nghiến vào tấm ván, như nhát dao cuối cùng trên cổ người tử tội, thì mới hình dung được cái hãi hùng của người sắp chết.

        Chiều hôm ấy, khi mái hiên nhà hàng xóm đã được sửa chữa xong, còn nồng mùi sơn mới. Mới mẻ, cứng cát, không còn một cái hốc nào làm chỗ trú cho loài chim. Tôi thấy đôi chim sáo bay về, ngơ ngẩn đậu trên sợi giây điện như hai nốt nhạc buồn, ngơ ngẩn nhìn về tổ ấm dưới mái hiên, rồi chúng vụt bay đi. Không biết ở mắt chúng có ứa ra giọt lệ nào không? Riêng tôi, sao buồn quá, và tôi đã khóc.

 

Nguyên Nhung

 

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

 

VƯỜN  RAU   QUÊ   HƯƠNG

       Truyện Nguyên Nhung

       Ngày mua được căn nhà mười lăm tuổi, có sẵn mảnh vườn sau , Hân nghĩ ngay đến chuyện gầy dựng một vườn rau quê hương trên xứ người, để bù đắp cho những thiếu thốn tinh thần, mà dẫu xứ sở này dư thừa vật chất vẫn không khoả lấp nổi.

        Suốt ngày bù đầu nơi xưởng máy, công việc thì đều đều nhàm chán, vây xung quanh là những vách tường sơn xám khiến lúc nào cuộc sống cũng buồn tẻ. Chiếc máy lạnh chạy rì rì suốt ngày, bấy nhiêu con người thở ra hít vào cái không khí đặc quánh mùi dầu mỡ.  Hân thèm, thèm lắm, khoảng không gian màu xanh cuả quê nhà, giàn dưa chuột thấp lè tè với những quả xanh, vạt rau cải, những luống hành hẹ và mùi cỏ khô lẫn  với mùi phân bò ngai ngái , nhưng đầy ắp không khí miền quê Nam Bộ. Hân nhớ lắm một mảng trời xanh, một đêm trăng tĩnh mịch trước sân nhà, ụ rơm khô có con bò đang nhơi cỏ. Trăng nằm sóng soải trên từng cuộn mây trắng, khiến chàng hình dung trời như một vùng biển xanh, mà những giải mây trắng kia lại  là những cơn sóng bạc đầu gờn gợn trong không gian.

         Thật ra mỗi một đời người, mỗi một thân phận đã gắn bó ít nhiều với những thăng trầm cuả giòng lịch sử quê nhà, Hân ra đời vào những năm đất nước chia hai. Dạo ấy , những người Bắc di cư vào Nam đã đổ về vùng ven đô này lập nghiệp, Hân lớn lên và cùng đi học với những đứa trẻ từ miền

Bắc vào. Khi mùa màng gặt hái xong, trên cánh đồng còn trơ lại những cọng rơm tươi,  Hân đã từng dẫn đám bạn xa lạ ấy đi mót lúa, đậu phọng hay hái trái dại trong khu rừng cao su phiá xa. Dạo ấy còn thanh bình, miền quê không nghe tiếng súng, nghe văng vẳng tiếng chuông chuà xóm người  Nam, hoà với tiếng chuông nhà thờ xóm người  Bắc.

        Riêng Hân, chàng thanh niên ngày nào phải bỏ quê nhà ra đi, nay đã là người đàn ông đứng tuổi. Vẫn ngậm ngùi đau xót nhiều năm tháng, khi bất chợt nhận ra cái cảm giác mâu thuẫn trong tâm hồn mình, khi không hề phản bội quê hương, mà vẫn cam lòng chịu hai chữ vong quốc.

        Hình ảnh quê hương còn trong lòng Hân là những rẫy đất trồng đủ thứ rau xanh. Miền quê nghèo, đất thịt pha cát chỉ thích hợp cho việc trồng rẫy. Tuổi thơ cuả chàng đã chạy nhảy trên những luống khoai, luống cải, những cánh đồng trồng đậu trồng cà. Muà Tết theo cha mẹ ra rẫy, trẩy những trái dưa hấu tròn căng, xanh thẫm mang ra bán trong những buổi chợ Tết. Chiếc  xe bò nghiến những bánh xe gỗ lóc cóc trên con đường đất khô ran, Hân còn ngửi được cả muì phân bò lẫn với cỏ hắt lên từ những thửa đất trồng rau ven đường. Thuở ấy, Hân còn bé, nghe mấy đứa miền Bắc đọc ra rả bài thơ cảnh miền Nam:

" Tôi yêu tiếng Việt miền Nam

Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao

Yêu xe thổ mộ xôn xao

Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê

Tôi yêu đồng cỏ nắng se". . .

              Cho mãi đến bây giờ, chàng mới cảm thấy nỗi nhớ quê hương thật sâu sắc và dữ dội, nhất là trong những ngày cận Tết. Tất cả hình ảnh miền quê cũ, cây mai trước sân nhà, con gà gáy sớm, con heo ủn ỉn đi ra đi vào xục mõm vào nồi cám, những thứ tầm thường ấy sao vẫn làm chàng nhớ đến quắt quay.

          Quê hương chàng nhiều tháng năm sau đó đã trở thành bãi chiến trường, mà những người bắn giết lẫn nhau lại cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen cùng lớn lên từ thôn xóm hiền lành ấy. Nhìn cảnh tiêu điều cuả rừng chiều quạnh hiu, những nhánh cây giơ lên trời như những bộ xương khô in trên nền trời màu tím thẫm lúc hoàng hôn, lòng Hân rã rời như đánh mất một cái gì không rõ rệt. Chiến tranh là vậy, là đánh mất màu xanh cuả cây và đánh mất màu xanh cuả tâm hồn. Chỉ  tội nghiệp cho những người dân sống ở đó, vẫn phải nương vào những ruộng rẫy để mưu sinh, để tồn tại. Khi muà mưa tới, những trận đánh càng xảy ra thường hơn. Ban ngày buổi chợ quê nhóm lèo tèo vào lúc sáng sớm, chỉ mười giờ là chợ tan, trên nền xi măng cuả nhà lồng chợ chỉ còn vương lại những mảnh lá chuối khô, nắng đã chói chang dội xuống mái nhà tôn hầm hập nóng.

         Chiều về, trời chưa tắt nắng, chiếc lô cốt ven đường lộ chính,  vợ con những người lính Địa Phương Quân đã chui vào những mái nhà thấp lè tè cất xung quanh cái đồn lính. Cái đồn nằm cô quạnh giống như một cái bếp than, được úp xuống với ba cái cửa tò vò, từ lỗ châu mai thò ra mấy họng súng . Họ sống nhiều năm tháng phập phồng ở đó trong vòng rào kẽm gai đầy mìn rải quanh đồn.. Những đứa trẻ đen đủi trong vòng rào kẽm gai, vài người đàn bà theo chồng sống một đời bất an trong cái hạnh phúc nắm được từng giờ. Những khuôn mặt người lính địa phương gầy gò, mặc đồ trận màu xanh đi giày vải, đôi mắt lơ láo vì căng thẳng chờ đợi kẻ thù, bóng tối và sự chết ập xuống bất ngờ không hề trông đợi.

         Có những buổi chợ sớm, người đi chợ nhốn nháo lên vì một loạt đạn vang lên giữa buổi chợ đông,  người ta bỏ chạy tán loạn khi một người bị bắn gục, với giòng máu đỏ loang chảy trên nền đất. Những khuôn mặt quen quen mà ngày là bạn,  đêm đã trở thành thù,  nước da đen ròn với nắng

gió rẫy nương.. Hân đã có những thằng bạn chung lớp, sau này theo bên kia,  lúc gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn có thể nã súng vào chàng không thương tiếc. Một cuộc chiến tranh kỳ cục và cay đắng cho người dân Việt Nam, được du nhập ở tận đâu đâu, biến con người, quê hương thành hai hố thẳm đen ngòm, đầy những hận thù và chết chóc.

          Cho nên, ngày chiến tranh chấm dứt, dẫu đứng về phiá những người bại trận, Hân vẫn không thể nào không thở phào nhẹ nhõm. Ít  ra là cuộc chiến đã kết thúc, khu rừng cao su sau  muà mưa có thể đâm những chiếc lá xanh, đỡ xơ xác khi chiều xuống. Ít  ra chàng sẽ không phải nhìn thấy những đôi mắt trẻ thơ thập thò trong vòng rào kẽm gai, những người lính trở về đời sống bình thường và sẽ có một mái nhà. Và ít ra, những người ở bên kia không phải tìm cách giết những người bên này.

           Ðiều khiến chàng đau lòng là sự thiếu hiểu biết cuả người thắng trận, nó tiếp tục đưa đẩy dân tộc vào nhiều nỗi thống khổ, mà đáng lẽ phải được hàn gắn những vết thương chiến tranh trong suốt bao nhiêu năm tương tàn. Bởi vậy Hân mới phải bỏ quê hương mà đi, mang theo bên lòng bao nỗi niềm đau xót.                   

*              *              *

           Khu vườn phiá sau được người chủ cũ trồng mấy cây thông  bên vệ rào, nay đã lớn, tàn xoè ra làm mát một khoảng sân rộng. Những cây hoa cúc dại màu tím vàng, mọc tràn lan trên bãi cỏ trống, người chủ cũ chắc cũng không có nhiều thì giờ cho việc trồng tiả để khu vườn tươi đẹp hơn.

           Người ta thích trồng thông vì thông mang dáng dấp quân tử, với Hân thì chẳng có cây nào tiểu nhân, chẳng có cây nào quân tử, và cũng chẳng có hoa nào lẳng lơ. Chẳng qua là tại tâm, hễ tâm rộng thì nhìn đời thoáng đãng bao dung còn tâm hẹp thì nhìn đâu cũng thấy hận thù, nghi ngại. Cho nên, nếu có làm thông, được dáng đứng uy nghi, quân tử, thì cũng đâu hẹp hòi gì mà không che chở cho những cây cỏ nhỏ nhoi, còi cọc giữa bãi cỏ đời mênh mông.

           Trước tiên, Hân phải làm cỏ và dọn một bãi đất xốp và mát để ương cây con. Muà Xuân là muà đẹp nhất để ươm cây, nhìn những cây đậu, cây mùng tơi, cây bầu cây bí nứt hạt hé mầm vào giữa tiết xuân mát mẻ, Hân liên tưởng đến những đứa bé được sinh ra trong tình thương , sự săn sóc trìu mến cuả ông bà, cha mẹ. Chàng không thể không nhớ đến những đôi mắt trẻ thơ ở quê nhà. Những  đôi mắt đen tròn, mở thao láo bên trong vòng rào kẽm gai , thời kỳ đất nước còn  chiến tranh. Những đôi mắt biểu hiện cho sự đói khổ, van xin trên những vỉa hè thành phố ngay trong thời gian đất nước đã hoà bình, Hân lại càng  ngậm ngùi cho sự thống khổ cuả đất nước.

          Trước khi gieo hạt, Hân đã ngâm hạt giống một ngày một đêm với nước ấm, xong được ủ vào những chiếc chậu nhỏ. Với cơn mưa xuân nhè nhẹ và cái mát mẻ cuả trời Xuân, chỉ hai hôm sau cây nứt hạt, nhúm đất con con bỗng bị đẩy ra bởi bàn tay non nớt cuả hai chiếc lá nõn, cây đã cựa mình, như đứa hài nhi cố cựa quậy để ra khỏi lòng mẹ. Rồi  từ cái màu ưng ửng ấy, nhờ ánh sáng mặt trời, chỉ vài hôm lá to dần lên, xanh mướt, y như những lượt tóc tơ mượt mà trên đầu đứa trẻ nhỏ, rất thích mắt. Vẫn chưa quen với mưa nắng cuộc đời, người chủ vườn vẫn phải săn sóc cho cây với cái tình êm ái lắm, vì chỉ cần một cơn mưa nặng hạt, một buổi nắng trưa hanh hao là cái thân ẻo lả kia có thể đổ xuống ngả nghiêng, vì gốc chưa vững.

          Nhìn những chồi non một ngày một lớn, tự nhiên Hân thoáng một chút bâng khuâng, vì chàng vốn là người hay suy nghĩ. Phải rồi, chàng nghĩ đến phận người, những đứa bé sinh ra trên mảnh  đất  vùng quê khốn  khổ  cuả chàng,  vẫn những đôi chân không nhảy nhót trên đường làng, lùng sục trong những rẫy những ruộng để mót về những hột đậu phọng hay hạt luá còn sót lại trên đồng. Ðất nước chàng mà ở đó có những con người nuốt hết những cuả ngon, cuả ngọt, khiến những đứa bé vừa sinh ra lại được coi là gánh nặng cho xã hội, cho đất nước. Chàng  biết rằng họ đã có kế hoạch  làm sao cho những đứa bé không thể ra đời, với ý nghĩ hãi sợ sau này sẽ có những kẻ dành mất phần ăn cuả họ, lấy mất chỗ đứng cuả họ. Chứ họ có biết đâu rằng, con người vốn bắt đầu từ KHÔNG  thì cũng trở về KHÔNG, như triệu triệu con người sinh ra, rồi lại triệu triệu con người mất đi, chỉ là để nối tiếp công việc bảo tồn đời sống cuả nhân loại. Tham sống sợ chết đã đành, nhưng sống như thế nào và chết như thế nào thì với những kẻ vô nhân,  chỉ có nghiã là vơ vào cho đầy ắp túi tham cuả họ mà thôi.

             Những cây đậu đuã đã vươn cao lên tới cái giàn nằm cách mặt đất độ hai thước, và khi những chú đậu non như hai đứa bé song sinh, thò hai cọng đậu dài như hai chiếc đũa qua lỗ mắt cáo trên mặt giàn, lúc ấy cả nhà đã sửa soạn có được những bữa cơm ngon với rau cỏ trong vườn. Khi cô nàng mùng tơi đã khoe những chiếc lá mọng, được chuẩn bị hái nấu với tôm tươi bóc vỏ, là khi ấy khu vườn đã bước vào tiết cuối xuân mát mẻ.. Cuối Xuân khi trời còn rất xanh, bát canh mùng tơi xanh biếc hay điã đậu đũa xào tôm thịt, ăn với dưa mắm trộn tỏi ớt, thêm một chén nước mắm nguyên chất giầm với quả ớt chín chỉ thiên, chẳng ngon lắm sao??!!

              Ðúng ra đâu phải cây nào cũng qua tiến trình đâm hoa, kết quả  thì mới được coi là có giá trị. Rau thường chỉ ăn lá, mà thứ trúc đào chỉ cho hoa đỏ thắm, dù không ăn uống được nhưng nàng ta vẫn có cái thắm tươi riêng biệt để tô điểm cuộc  đời.  Những bông hoa lài  thường toả  hương  thơm vào buổi tối,  dưới  ánh trăng,  mùi thơm  thoang thoảng  trong không  gian  như  đã  đủ sức  làm dịu đi  nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc. Nếu không nhờ những cánh hoa ấy, mùi hương ấy làm sao con người có thể quân bằng nội tâm. Rồi những loại rau như cây bù ngót, thân khẳng khiu và ngay đuỗn mọc ra những chiếc lá xanh nho nhỏ, chỉ cần hái đầy một rổ, vò sơ rồi nấu với chút thịt nạc băm nhuyễn, mát đáo để. Người khô hạn, phổi hanh hao, mắt mờ, đầu váng vất, nắm lá xanh ấy có tác dụng thần kỳ, cái nóng cái khô như biến ngay đi, dễ chịu như được người con gái đắp chiếc khăn mặt ướt lên trán vào một trưa hè.

            Cây cỏ trong khu vườn rau cuả Hân , giống như thần dân cuả một vị vua nhân đức, được hưởng phúc ấm cuả người lãnh đạo mà làm đẹp cuộc đời. Ðấy cũng nhờ ở cách dùng, cách trân trọng tối đa, nhờ thế mà cây tươi tốt, xum xuê, nẩy hoa đơm trái. Chân lý ấy mà áp dụng được trong một gia đình, một tập thể, một quốc gia thì hẳn nhiên đã có thiên đàng tại thế.

             Nhìn vườn rau xanh tươi tốt cuả mình, Hân có cái vui đang làm một điều gì có ích lợi, dẫu rằng chỉ thu hẹp lại trong thế giới cây cỏ. Muốn thực hiện được sự công bằng không thiên vị cho bất cứ loại cây nào, lợi nhiều hay ít thì người chủ vườn vẫn phải có cái nhìn vô tư và thẳng thắn. Lão bí rợ không thể ỷ mình  có sức khoẻ, cành lá mập mạp mà lấn sang mảnh đất cuả đám rau má trẻ con nằm nép bên vệ rào, dẫu rằng công dụng cuả lão có đa năng, đa hiệu thật đấy. Ðọt  bí xào tỏi ăn bùi và thơm, khi kết trái thì quả nào quả nấy to đùng  như bụng ông địa, thứ ấy mà đè lên mảng rau má kia thì chúng chỉ có chết, bởi vậy Hân cũng chỉ cho chúng lan tràn đến mức nào thôi.

            Chàng thú vị nhân cách hoá cho đám cây cỏ cuả mình. Mỗi  thứ cây là một loại người khác nhau, một chỗ đứng khác nhau, chàng chỉ dung hoà chúng chứ không cai trị, vì con người có thói quen thích lãnh đạo và lấn lướt người khác. Những vạt rau  má bé tý teo như  những  đồng  tiền  hai  mươi lăm xu, xem vậy mà lợi hại ra gì, cứ xay ra để uống với chút đường và đá, mát tì mát phổi không thứ nào bằng, còn kẹt lắm nấu suông với lon súp gà, thêm mấy con tôm khô, cũng có một tô canh mát mẻ. Có từng xực những bữa ê hề thịt thà, ít rau cỏ, mới thấy quý khi được ăn một bát canh rau, bao nhiêu sân si lắng xuống , lòng cứ nhẹ tênh như bay về chốn non bồng nước nhược.

            Với lũ cây non be bé Hân nâng niu như trẻ thơ, thì với mấy cây già cỗi sắp tiêu diêu về bên kia thế giới, Hân vẫn có cái trân trọng như trân trọng người có tuổi. Có lẽ cũng từ sự tương quan tuổi tác mà chàng có sự săn sóc ấy chăng? Suy bụng ta ra bụng người, cây mười tuổi như người trăm tuổi, nhất là với những cây có đời sống ngắn ngủi.

            Hân nhớ có một lần chàng đau nặng, lúc nào người cũng ren rét, bệnh chẳng ra bệnh gì, nằm liệt một chỗ mấy tháng trời. Trận ấy may là chàng thoát chết, lúc tỉnh hồn tỉnh viá, Hân soi gương thấy mặt mũi vêu vao, hốc hác, thoát chết lần ấy, chàng tự nhủ phải tận dụng những giây phút quý giá cuả đời người mà làm điều gì hữu ích cho cuộc sống. Cận kề giữa hai bờ sinh tử, lơ mơ nhìn ánh nắng chiều se sắt ngoài hàng dâm bụt đỏ, mảng trời xanh không một gợn mây, chàng thấy đời quả đẹp vô cùng. Từ đấy chàng tự hỏi, sao không làm điều gì đẹp đẽ để lúc hai tay buông xuôi sẽ không ân hận, tiếc nuối, để biết cái hạnh phúc khi được làm người, cũng bởi cái ân sủng từ nhiều kiếp trước mà thành. Lỡ như, Hân mỉm cươì khi nghĩ nếu mình ăn ở chẳng ra chi, trời cho tái sinh làm kiếp vịt quạc quạc, lại có ai đó ân oán với mình từ kiếp trước, cắt cổ làm bữa tiết canh thì còn gì là đời vịt.

          Hân hay nghĩ vớ vẩn, nghĩ lung tung rồi cười một mình cho đời đỡ buồn. Sống cũng nhiều, vui cũng nhiều, buồn cũng nhiều, nhìn chặng đời qua thì chỉ những hận thù, bon chen, bóc lột,  ganh ghét.  Hân vẫn mơ  tưởng  một  ngày  mình làm vua,  không  phải  để  vui hưởng  vinh hoa  phú quý như các vị vua trần thế, nhưng ít ra chàng sẽ cố gắng lập lại cái thanh bình trật tự cho thần dân cuả mình, hưởng thực sự nền thái bình thịnh trị.

           Ðời đâu dễ mà mơ được một giấc mộng trọn vẹn như thế. Thôi thì chàng trồng cây, trồng rau, trồng hoa, rồi đem cung cách cuả mình mà sắp xếp , săn sóc cây cỏ như vua thương dân, để an ủi cho riêng mình là đã thực hiện được những hoài bão tốt đẹp, ít là cho loài thực vật. Khu vườn rau quê hương, là cả một giang sơn gấm vóc, một bờ cõi có ranh giới hẳn hoi, có trên có dưới, không lấn áp kèn cựa, không nâng ai quá đỗi để tủi hổ kẻ tầm thường, một xã hội cây cỏ chan hoà tình yêu thương, không gian dối.

             Còn một vài việc tuy bận rộn  Hân vẫn phải làm. Ðó là cây kim quất nay đã gần chục tuổi, đã quá tuổi xuân xanh và đang vào độ tàn héo. Mỗi lần rắc một lượt phân, lượt đất cho cây, Hân vẫn hóm hỉnh: " Chào cụ". Chả biết cụ quất có bịnh hoạn gì không mà dù chăm cách mấy cụ vẫn không tươi lên được, hay là tai cụ nghễnh ngãng cho nên không nghe được tiếng gió xuân đã thì thào về với đất trời,  y như người đã ốm, đã già, máu không lưu thông nên lúc cố đâm được mấy chiếc lá non, thì chỉ một sáng một chiều đã héo ngay đi, trông rất thương tâm. Chục năm trước, độ còn xuân xanh, muà Xuân như khoác một chiếc áo vàng óng ả lên cây kim quất trẻ tuổi, quả trĩu cành, hoa trắng muốt, lá biếc xanh. Hân dạo ấy cũng biết làm thơ, chàng cảm khái khi nhìn muà Xuân về với hai vần thơ nhỏ:

" Muà Xuân em mặc áo vàng,

Ðất trời như đã rộn ràng quanh tôi."

         Cây kim quất nay đã già,  cũng biết rét run lẩy bẩy khi cơn gió Ðông thổi về, dù đã được Hân che chắn,  chăm sóc cẩn thận.

*              *             *

           Hân vẫn  gửi tất cả tâm tình, cả trái tim cuả mình cho cây cỏ, như chàng vẫn hướng về quê nhà với nỗi niềm thiết tha mong đợi. Một ngày nào đó những mầm non sẽ mọc lên, sẽ làm xanh tươi lại một đất nước thống khổ vì chinh chiến kéo dài hàng bao nhiêu năm, sẽ thay đổi bộ mặt tổ quốc với những cái tâm trong sáng, biết thiết tha với tiền đồ cuả dân tộc.

          Với một khuôn mặt trầm lặng và tính tình kín đáo, cộng thêm tư tưởng có vẻ lập dị, người không hiểu chàng sẽ có thể nghĩ chàng là kẻ có tính hơi man mát, điên điên, mấy ai đã nghĩ tới được chiều sâu của một con người nặng lòng với quê hương, xứ sở. Tổ quốc ở bên kia giờ này vẫn còn đầy những con sâu đục rỗng xương tuỷ dân tộc, còn kẻ tha hương vẫn chưa tìm được lối về, những con én vẫn bay nhưng muà xuân thì chưa thấy. Ðường về thì thiên hình vạn trạng, con người  vẫn đục trong lẫn lộn. Ðến bao giờ mới hết cảnh người hiếp đáp người, xứ sở được vươn lên, đất nước không bị áp bức?

            Thôi thì trong hiện tại, trên mảnh sân này, Hân đã thực hiện được điều ấy với cây cỏ trong vườn rau quê hương cuả chàng.

                                                       

                                              NGUYÊN NHUNG 

a

Tâm Sự Của Một Chiếc Răng

Nguyên Nhung

Bây giờ thì tôi nằm đây, trên mặt bàn, trông gớm ghiếc như một mẩu xương cũ và bẩn. Hình thể lồi lõm theo cách cấu trúc của chiếc răng bình thường, chỉ trừ một đường địa đạo đen thui nằm luồn phần ngang hông, dấu tích còn lại thời cuối cùng cuả một chiếc răng. Tuy vậy, tôi vẫn còn đủ ba chân răng vững chắc, đủ sức bám vào phần thịt bên dưới suốt gần sáu mươi năm cuộc đời, nếu không vì cái rãnh sâu kia để phải ra đi vào miền miên viễn.

Cũng buồn nhỉ, vì mặt bàn không phải là chỗ đứng của tôi, cho nên từ đây tôi đã là kẻ vô dụng, vì đâu phải chỗ nào mình cũng đứng được. Nhớ lại nơi chốn của mình ngày xưa, tôi cảm thấy lẻ loi khi bị gạt ra bên lề xã hội. Xã hội của răng, nghe có kỳ không? Nhưng thực tế là vậy, vì tôi được sinh ra để đi song song với cuộc đời của con người, chia xẻ buồn vui, tủi nhục , vinh quang với họ, dẫu chỗ đứng có khiêm nhường và hơi hẻo lánh, nhưng đâu vì thế mà không quan trọng.

Năm ấy, hình như là một mùa hè hai ven đường đầy những hoa phượng đỏ, con ve sầu kêu ve ve, khi tôi vừa mọc lên, đã thấy lấp ló bên ngoài những chị em trắng nõn và bé xíu. Sự ra đời của mỗi chiếc răng đã hành hạ chủ nhân tôi những cơn sốt nóng, ho hen, sổ mũi kéo dài suốt nửa tháng. Lũ oắt con bên ngoài tuy ra đời trước, nhưng chúng lại mảnh mai, nhỏ nhắn, còn lũ chúng tôi ở bên trong, kềnh càng như những ông hộ pháp, vất vả lắm mới nhô lên khỏi cái miếng thịt hồng hồng mà con người gọi là lợi. Bên ngoài là một lũ chị em nhà răng sinh ra đời chỉ để cười và để cắn, cho nên khi bọn trẻ con sắp mọc răng, chúng ngứa ngáy lắm, và gặp cái gì cũng kéo vào để ngoạp lấy, nhây nhưa một cách thú vị.

Chủ nhân tôi hồi ấy là một thằng nhỏ bảy, tám tháng, cái khoái nhất để nhai cho tiện là chính bàn tay của chú, và vì thế suốt ngày chú đứng trong cũi, đút bàn tay vào mồm rồi cứ thế nút một cách thích thú. Khi say sưa với giòng sữa mẹ, chú ta cứ tỉnh queo mà nghiến lấy cái núm vú mềm mại ngon lành ấy. Chú làm cho người mẹ bực mình vì bị cắn đau, thế là tức thời cái mặt chú bị ấn ngay vào bầu vú thơm tho khiến chú ngạt thở, vội nhả ra ngay. Nói đi cũng phải nói lại, cái đó không phải tại chú, tại mấy chiếc răng đang nứt lợi nó ngứa ngáy một cách kỳ dị, nó cần phải cắn vì Trời sinh nó thế. Sau này khi càng lớn lên, nhiệm vụ của nó còn quan trọng hơn, là ngoài việc cắn nó lại phải biết cười, vì cuộc đời có ăn tiền hay không cũng nhờ cái cười của răng nữa.

Đấy là lan man về lũ họ hàng nhà răng chúng tôi, mỗi đứa một nhiệm vụ. Mấy đứa bên ngoài trời sinh để làm cảnh, cho nên trông đứa nào cũng dễ thương. Vì hình dáng giống như cái bàn cuốc nên người đời thường ví von chúng nó là "răng bàn cuốc". Nó mảnh thôi, trông có vẻ hiền lành nhưng ngoạp vào đâu thì hệt chiếc cuốc xục vào chậu đất, khiến những thứ thức ăn lập tức được táp lấy đưa vào miệng một cách ngon lành. Thêm vào đấy là hai chú răng nanh bên vành miệng, trông chúng nó thật dữ tợn, biết ngay là phải đề phòng nếu không muốn bị xé cho tan xác. Mấy đứa chúng nó như răng liền răng, lợi liền lợi, giúp đỡ nhau kịch liệt để thanh toán tất cả những thứ mà con người muốn xơi. Nhìn tinh thần đoàn kết ấy thấy cũng hay hay, nếu cứ biết hợp quần gây sức mạnh như thế thì cái gì mà không xực được.

Dù vậy, khi bọn tôi mọc lên thì tất cả mới có đủ sức mạnh để làm xong một nhiệm vụ quan trọng, có thể thanh toán được tất cả những thứ cứng cỏi, hóc búa nhất của thức ăn , đẩy qua thực quản mà không bị mắc nghẹn. Tôi phải nói ra điều này dù có vẻ không tao nhã, nhưng giá không có lũ "vai u thịt bắp" chúng tôi thì cái lũ bên ngoài kia cũng chả làm cách nào cho xong nhiệm vụ.

Có một lần cãi nhau vì chuyện ấy, đó là chỗ đứng của răng trong mỗi cái miệng người, như chỗ đứng của người trong xã hội. Lũ kia cứ cho là mình đài các, tự ví mình như những nhân viên ngoại giao để con người mang đi cười cợt, giao tế với bên ngoài. Cái tật hợm hĩnh này cũng chỉ vì con người chiếu cố đến chúng nó hơn, thích khoe khoang cái mẽ bên ngoài mà không trân trọng chiều sâu của bên trong, họ chỉ hay săn sóc chúng nó và thường đứng soi gương để tập cười một mình, bởi vậy chúng mới lên mặt khinh người, ra điều cũng răng mà đứa cao đứa thấp. Tức mình , bọn tôi đình công không nhai một bữa xem sao, hôm ấy chủ nhân tôi vì ăn vội vã, nuốt nhanh thành mắc nghẹn, tởn tới già, lúc ấy mới thấm thía câu "ăn phải nhai, nói phải nghĩ ". Âu cũng là một kinh nghiệm sống để cậu ta ghi nhớ mãi, khi biết rằng cuộc đời cái này vẫn phải cần đến cái kia.

* * *

Cuộc đời trải dài theo năm tháng, mỗi lần hồi tưởng lại lòng ai cũng rưng rưng với kỷ niệm. Tôi đi theo chủ nhân như bóng với hình, như con người không thể tách rời với thăng trầm theo giòng lịch sử dân tộc. Tôi đã thử tách mình ra khỏi cuộc đời của chủ nhân, để nhắm mắt cho rằng mình chỉ là một công cụ của người ấy mà thôi, nhưng thật ra lại gắn bó với nhau nhiều, khiến mỗi một thay đổi trong cuộc đời anh ta, tôi đều có chia xẻ. Như một người tầm thường cho là mình an phận thủ thường, chẳng băn khoăn gì đến ai, chả nghĩ gì đến chỗ mình sống, mình sinh ra, nhưng mỗi khi giúp anh ta ăn uống ngon lành, tôi cũng sung sướng vì mình đã có cơ hội để giúp ích cho người vậy. Còn những lúc trong họ hàng anh em nhà răng chúng tôi, bị ốm đau do sự ăn uống, giữ vệ sinh cẩu thả của anh ta , tạo nên những lỗ sâu gây sự đau nhức, tôi cũng buồn vậy. Nhìn anh ta những lúc lên cơn đau răng, chổng khu, hả mồm, rên la đủ kiểu mà vẫn không chấm dứt được những cái giựt giựt buốt lên tới đỉnh đầu, ai lại không sót. Khi ấy cả họ hàng nhà răng chúng tôi đều đau lòng,có ngấm ngầm trách sự cẩu thả của con người, chỉ vì cái miệng làm khổ cái thân, lại không biết giữ gìn mồm miệng cho nên mới ra nông nỗi này. Đúng là nỗi buồn của "một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ" là thế.

Nhớ lại thời thơ ấu của chủ nhân, tôi vẫn thấy thú vị. Hình như con người chỉ sung sướng nhất là thời kỳ còn bé bỏng, chưa biết buồn vui bao nhiêu. Vui thì cứ vui, cười hả họng để khoe những chiếc răng cửa, nhưng thật sự chưa đủ trí khôn để nghiền ngẫm những nỗi buồn. Lúc này là thời kỳ mà ăn gì cũng thấy ngon, chát chua, ngọt mặn gì cũng được những cái miệng be bé ấy nuốt vào hết. Tôi cũng làm việc kịch liệt với tâm hồn rất yêu đời ấy, vì họ hoạt động nhiều, lại đang hăng sức cho nên không chê một món gì, dẫu chua đến ê răng như mấy quả sấu hái được ngoài vườn, dai nhanh nhách như miếng gân bò hầm chưa chín mà họ vớ được khi mẹ vắng mặt trong bếp.

Đây là thời kỳ cần ăn để lớn, để cơ thể có đủ chiều cao mà học hành, yêu đương, làm việc. Họ yêu đời lắm, tâm hồn đầy nhiệt huyết ôm nhiều hoài bão to lớn và tốt đẹp. Họ nghĩ cái gì họ ăn vào cũng tốt, chả phân biệt được tác hại của sự ôm đồm ấy, và họ cũng hay bị phỉnh phờ vì những thứ ngọt ngọt, thơm thơm của thức ăn được bán bên lề đường, trong những chiếc xe đẩy không đậy điệm, bởi những cái lưỡi mời chào ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Những thứ hấp dẫn của đời chính là những thứ hại cho họ về sau, nhưng ngay lúc ấy giá những người có trải qua kinh nghiệm đau đớn về răng miệng, có mở lời khuyên bảo thì ít khi họ nghe lời lắm.

Họ nhai đá cục, họ đớp những cục xương, họ ăn bánh kẹo bất cứ khi nào vớ được, có khi sắp lên giường đi ngủ, họ cứ bắt chúng tôi nhai rau ráu tất cả những thứ cứng cỏi ấy để tống vào bụng, đâu có nghĩ gì tới sức khỏe của chúng tôi, chưa kể là cũng chả nghĩ tới việc chăm sóc để chúng tôi còn sức lực mà phục vụ họ tới già. Cẩu thả, ích kỷ như những nhà lãnh đạo vô trách nhiệm, họ bắt chúng tôi làm việc kịch liệt để thỏa cái tham vọng vô biên của họ, vì cái bụng ăn mãi cũng chẳng no. Lạ lùng cho ông trời, và cũng bất công quá xá khi ông sinh chúng tôi chỉ là những chiếc răng nho nhỏ trong một cái mồm bé, để phục vụ cho một cái bụng to tham lam thế kia, anh em chúng tôi sau này lần lượt ra đi cũng vì thế.

Tôi có một thằng em kết nghĩa, vì không có nó thì tôi cũng không làm sao nhai được thức ăn để phục vụ con người. Thằng em ra đời sau tôi ít lâu, nó ở phía dưới, tôi ở phía trên, hai đứa như chày với cối, giã nhịp nhàng như gạo trắng trăng thanh. Trong cái miệng tối om om đó, chúng tôi hăng say làm việc. Lúc con người ăn uống là lúc chúng tôi làm chết bỏ, theo hệ thống giây chuyền đi từ ngoài vào trong, nhưng công việc của chúng tôi mệt nhọc hơn nhiều.

Hai đứa tôi chăm chỉ lắm, thằng anh giã, thằng em cũng nhịp nhàng đưa lên để hai đứa ăn khít với nhau, nghiền tất cả những thứ từ bên ngoài đưa vào. Cũng cái bụng làm khổ cái răng, chúng tôi làm việc cực khổ để cống hiến cho con người những ham muốn không biết đâu mà lường. Người đời họ gọi là "ngốn ", nghĩa là ngấu nghiến vơ vét vào cho đầy mới thôi. Khi cái bụng họ ngưng, anh em tôi cũng rã rời, ê ẩm cả ra, vì phải đụng chạm với những thứ cứng mềm, nóng lạnh đồng loạt được đẩy vào, đôi khi không đủ sức chịu, chúng tôi cứ vã cả mồ hôi, tê cả mồm vì những thứ gia vị cay đắng mà con người ưa thích. Nói mà không giải thích thì họ bảo chúng tôi bịa đặt quá đáng, nhưng cứ xem một hoạt cảnh ăn uống thì biết sức chịu đựng của tụi tôi dữ dội biết chừng nào.

Này nhé! Bên một tô hủ tíu bốc khói, nóng hổi, thổi suỵt soạt mấy cái rồi được đưa ngay tắp lự vào mồm từ mấy cái bàn cuốc, cộng thêm ít ớt cay và tiêu hột làm họ vừa ăn vừa chảy nước mắt. Chúng tôi bỏng rẫy lên vì sức nóng, đang luống cuống chưa biết cách nào để nhai thì lập tức đã nghe ào ào như thác đổ vào mồm, cả bọn choáng váng vì một đợt nước lạnh ồ ạt tấn công, khiến lớp men bọc bên ngoài chiếc răng như muốn rạn nứt ra khi bị tra tấn dã man như vậy. Lớp áo ấy lâu ngày liên tiếp bị những vụ khủng bố tấn công, hết nóng tới lạnh, hết lạnh tới nóng, chịu không nổi, rạn ra, thế là có chỗ để những con sâu bé xíu len lỏi vào hang ổ, làm thành đường mòn như địa đạo ăn sâu vào lòng răng, gây ra những lỗ thủng trầm trọng. Khi hệ thống thần kinh phải giựt chuông báo nguy, lúc ấy họ mới tỉnh người thì đã muộn, chỉ biết nguyền rủa cái răng sâu mà không chịu học câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", hay thấm thía khi học được bài học "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ".

Đấy là chuyện của răng, những người công dân hèn kém nhất, sống trong điều kiện tối tăm nhất, nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người dữ dội nhất. Khi con người nhìn ra vấn đề thì mọi chuyện đã muộn màng, họ tìm cách để cứu vãn tình thế như châm ngôn "còn nước còn tát " mà bà con ta hay nói, nhưng sự thật thì cái gì mất đi có bao giờ tìm lại được.

Sau này tôi sẽ kể đến giai đoạn "còn nước còn tát" của họ cho mọi người nghe, và họ đã thấm thía vô cùng khi không biết cách bảo vệ và trân trọng đám răng thật, để rước về những thứ răng giả, và suốt đời cay đắng với sự giả dối.

Dạo ấy tôi còn khỏe, lũ anh em cũng chưa xệu xạo, chỗ đứng vẫn còn vững chắc.Trong anh em nhà răng đã có đứa yểu số, sớm ra đi để lại cho họ hàng răng miệng một sự mất mát vô cùng to lớn. Sự mất mát này dẫu to lớn tới đâu, một lúc nào cũng chìm vào quên lãng. Người vốn hay quên, cho nên vẫn chưa cho đấy là kinh nghiệm đau thương để rút ra một bài học. Tôi cứ cho thời kỳ trước là thời kỳ vàng son của con người, với những thực phẩm thừa mứa và bừa bãi của một lòng tham vô độ, nhưng ít ra đó cũng là thời gian sung sướng của họ, mà chúng tôi có góp phần làm nên lịch sử.

Có đôi khi tôi ngồi nhẩm tính những thực phẩm hằng bao nhiêu năm dài, cả một hành trình đằng đẵng mà họ nhà răng chúng tôi phải lao động cật lực để vận chuyển những thức ăn cho một con người, thấy muốn giật mình té ngửa. Trung bình mỗi năm con người ngốn bao nhiêu ký gạo, ăn bao nhiêu ký rau, xực bao nhiêu ký thịt, xơi bao nhiêu quả trứng, nuốt bao nhiêu thứ trái cây và bánh kẹo. Nhân lên với tuổi thọ của họ thì số thực phẩm ấy phải to bằng núi Thái Sơn, để những người con bất hiếu phải rùng mình khi biết cha mẹ họ phải làm việc vất vả như thế nào mới nuôi con thành người.. Và để cho những con người vô ơn, biết được rằng bao nhiêu công sức của một cộng đồng nhân loại, đã phải tranh đấu với bao khắc nghiệt của đời sống để cung cấp lương thực cho họ.

Định mệnh đã sắp đặt cho tôi sinh ra để làm răng, cho nên dẫu thế nào thì tôi cũng nguyện trung thành với chủ nhân cho tới chết, chẳng hề tự ý bỏ đi nếu ông ta không đành đoạn mà tống khứ tôi đi, như tống khứ con ngựa già không còn kéo nổi cỗ xe. Ít ra gần sáu mươi năm, tôi đã chia xẻ với ông ta tất cả những thứ chua cay, mặn ngọt cuộc đời, với tinh thần phục vụ của một bề tôi trung hậu, ăn ở có nhân có nghĩa, vui cùng vui, buồn cùng buồn với nhau.

Vậy mà có một thời gian tôi bị thất nghiệp, hay là cả bọn chúng tôi bị thất nghiệp khi không có gì để nhai. Lúc ấy tôi còn khỏe mạnh, những cái chân răng bám vào lợi còn vững chắc, lại không lười biếng trốn tránh trách nhiệm, tôi thèm lao động để phục vụ con người mà bỗng dưng bị thất nghiệp, hay là có việc làm rất ít để dư thì giờ nằm khểnh ra ngẫm nghĩ chuyện đời. Lúc ấy tôi thèm có việc làm lắm, nhưng lạ một điều là không hiểu sao không có gì để nhai cả.

Tôi nhớ những hôm ấy, trời rất lạnh, cái bụng nằm phía dưới cứ sôi ùng ục lên đòi cơm, thế mà chủ nhân tôi không tranh thủ, cựa quậy được tý gì để dằn bụng. Đến khi tới giờ ăn, anh ta hơ hải đem về một cái bát nhựa mấp mé đầy một thứ gì giống như cơm, mà vẫn không phải cơm, lại không được giã kỹ cho nên nó sần sật như cao su. Không biết đây có phải là thực phẩm dành cho gia súc, mà ít ra phải có hàm răng như răng ngựa mới tiêu hóa nổi, thế nhưng lúc ấy cái bụng đòi hỏi quá, anh ta cũng đành phải ăn vậy, không thì đói rã ruột.

Chưa bao giờ chúng tôi phải làm việc vất vả bằng lúc này, giống như những người công nhân nhà máy, thời kỳ kinh tế xuống, lâu lâu mới có việc làm, lại toàn những thứ việc nặng nề, không đủ cung ứng nhu cầu hằng ngày, mà vẫn phải hùng hục làm cho qua ngày đoạn tháng. Công đoạn đầu là phải nhai thì đã có chúng tôi giúp sức, thằng chày thằng cối làm việc tưng bừng, như những ngày nào còn mâm cao cỗ đầy một thuở. Công nhận món này khó nuốt thật, nó cứng vì bọc bên ngoài một lớp vỏ dầy, cho vào mồm nhạt nhẽo như nhai cao su. Nghe nói nếu người cẩn thận khi chế biến để nấu còn phải ngâm ròng rã suốt một đêm, rồi bỏ vào rổ chà xát lại nhiều lần, mỗi lần chà lại bốc ra được những viên bé xíu tròn xoay, vê vào tay thì dai dai như cao su. Tôi chịu không biết đấy là cái gì, có lẽ phải hỏi các nhà nông học xem cớ sao trong ngũ cốc lại có những thứ lạ đời như thế?

Một ngày ba lần làm việc, tuy không nhiều nhặn gì chỉ đủ cho cái bao tử đỡ lên cơn đòi hỏi, thế mà chúng tôi cũng toát mồ hôi vì những thứ thực phẩm quý hiếm ấy. Nhai mòn cả răng, ê cả lợi, thằng em nằm bên dưới bị tôi giã nhiều cái nên thân, lắm khi lại còn lẫn cả một cục sạn cho nên nó la oai oái, mặt mũi bị méo mó đi trông rất tội nghiệp. Đám chị em bên ngoài đã lâu cũng không có việc làm, thỉnh thoảng vớ được củ khoai, họ nhâm nhi cắn từng tý một, như để kéo dài giây phút thần tiên mà không muốn chia xẻ cho người khác hưởng. Dễ gì những thứ bột mềm mềm, mịn mịn ấy đến tay tụi tôi, nó chỉ đi đến cửa miệng là bọn ngoài ấy đủ sức đẩy thẳng qua cuống họng, đi thẳng vào dạ dầy. Khiếp thật, trong đời tôi chưa có thời kỳ nào kinh tế đi xuống như dạo đó. Lúc ấy tôi bỗng nhớ nôn nao cái thời vàng son của những bữa ăn gạo ngon thịt béo ngập đầy răng miệng, cho nên dằn lắm mà nước miếng nó cứ ứa ra dù chỉ hồi tưởng bằng trí nhớ.

Chủ nhân tôi lúc ấy tội nghiệp lắm, cái cơ thể tròn trịa năm xưa đến sáu, bảy chục ký cứ từ từ rút xuống, cả một hình thể oai phong lẫm liệt vào sinh ra tử mà giờ đây lép kẹp như một miếng bánh tráng mỏng, đi phất phơ như hình bóng ma quỷ trong một đêm mưa gió lạnh lùng. Đấy là nói về phần bên ngoài, còn nói đến trí tuệ thì lại càng thảm não. Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ đến "ăn", dù khi xưa anh từng dè bỉu "miếng ăn là miếng tồi tàn". Đó là chí khí của người quân tử khi đang thời, nhưng trước cái nạn đói kém và thời kỳ suy thoái này, miếng ăn có sức mạnh làm những đôi mắt buồn ủ rủ sáng rỡ lên, những thân gầy guộc kia tỉnh táo ngay tức khắc.

Tôi đã từng chứng kiến anh ta vồ bắt những chú chẫu chuộc ở trên cây, rình rình tìm nhưng con ốc ốm trên thửa ruộng sâm sấp nước, hay khi vào rừng đốn cây, anh cứ lơ láo tìm xem có thứ gì bỏ vào miệng mà không chết. Đối với thứ răng tụi tôi thì hễ có gì nhai nấy, bất kể ngon hay không ngon, vì đây chỉ là nhiệm vụ. Mấy cọng rau già bên bờ suối, củ sắn sượng hay củ mì tinh đầy những xơ, chúng tôi cũng cẩn thận chế biến để nuôi dưỡng cơ thể. Trong đêm khuya bụng lại cồn cào đòi ăn, anh em tôi hay nằm tâm sự vặt, không có gì nhai cho nên hai đứa cứ nghiến vào nhau , bật ra những tiếng kèn kẹt làm ê ẩm một nỗi buồn đến rứt da rứt thịt.

 

* * *

 

"Lâu rồi thì đời cũng qua". Đó là câu tôi rất thích khi nghe lỏm được trong một bài hát, để an ủi những tâm hồn đau khổ vì một lẽ gì đó, hay đơn giản hơn thì "sau cơn mưa, trời lại sáng".

Đến khi thời kỳ đói kém qua đi, nó dằng dặc đến bao nhiêu năm trời. Vì phải nhai nhiều nên lũ răng chúng tôi trên mặt vạc cả đi mà dưới chân lại đùn lên những tảng đá ong, lắm khi cứa vào lợi đến rướm máu. Bây giờ khi không còn thất nghiệp nữa, việc làm lai rai lúc nào cũng có, nhưng quái lạ lũ chúng tôi không còn hồ hởi để làm việc như ngày xưa, có lẽ đã đến lúc "tri thiên mệnh" rồi chăng?

Những cái chân gà cẳng vịt ngày xưa, những gân sụn sao nó ngon lành thế, bát bò kho của chú Tàu già thuở chủ nhân tôi còn trẻ hấp dẫn biết bao. Nọ miếng nạm giòn, đây miếng gân trong như cao hổ cốt, món lòng bò xồm xộp như thớ khăn lông được thái từng miếng nằm hỗn độn trong bát nước dùng, rắc lên chút rau húng mà chấm với tương ớt hay mù tạt, khoái khẩu biết chừng nào. Thời ấy nay còn đâu, lũ chúng tôi hay ngậm ngùi nhắc với nhau như để chia xẻ với chủ nhân sự hoài niệm dĩ vãng, dường như cái bụng cũng không thấy réo lên ùng ục đòi ăn như ngày xưa nữa.

Thời gian này tôi biết ông chủ đang thấm thía lắm cái luật đào thải của trời đất, khi ông ngồi lúc lắc những chiếc răng còn lại với nét mặt băn khoăn. Ông chăm sóc chúng tôi và vỗ về như cha thương con, nhưng than ôi nó đã muộn mất rồi. Bây giờ khi nghĩ đến chuyện hồi phục lại hàm răng năm xưa, thì có khác nào "mất bò mới lo làm chuồng". Ông cũng già mà chúng tôi cũng già, nhìn quanh thì đã rơi rụng khá nhiều, muốn phục hồi lại dĩ vãng đâu phải dễ, nhất là khi tiềm lực đã gần như cạn kiệt. Mỗi lần nhìn những chiếc răng cửa , ngày xưa chỉ dùng để cười và để cắn, nay phải làm sai chức năng là nhâm nhi chút đồ ăn, tôi cười mà lòng lại buồn đến chảy nước mắt, cám cảnh sự xuống dốc của một kiếp người. Tôi vốn nhiều tình cảm, hay nhìn người mà nghĩ tới mình, cho nên tôi lại hình dung được cả sự tuột dốc trong lòng chủ nhân, ăn uống uể oải thế kia còn mong gì phục hồi phong độ cũ.

Mùa thu vừa tới là lại thêm một biến cố đau buồn trong đời tôi, đó là sự ra đi của thằng em bên dưới, đã từng chơi với tôi trò "gạo trắng trăng thanh" ròng rã bao nhiêu năm trường. Mới đầu lúc nó bị ốm tôi vẫn không để ý, mỗi lần cần nhai tôi vẫn vô tình làm chày giã thẳng cánh xuống khiến chủ tôi la oai oái, lúc ấy tôi mới giật mình và nhìn xuống thì ôi thôi, thằng em đã ngả nghiêng xiêu vẹo đứng không vững. Nó ốm lúc nào tôi cũng chả biết, thật có lúc mình cũng vô tâm như những kẻ không có lòng, đời khỏe mạnh đó rồi đột nhiên lăn đùng ra, ai mà biết được. Tôi hối hận quá, tình đồng đội, nghĩa huynh đệ chi binh gắn bó với nhau từ hồi mới sinh ra, cho tới lớn lại chia xẻ bao thăng trầm vinh nhục với nhau, thế mà khi thằng em tôi nó ốm, ốm nặng tôi mới biết.

Từ đấy, tôi cũng không còn hứng thú gì để làm việc nữa, nhai nuốt cũng uể oải, mỗi lần thấy một món ngon tôi định vực thằng em dậy để nó chung vui với tôi như ngày xưa, nhưng nó chỉ im lìm nằm oặt đi, sờ vào người nó thì nó cứ run bần bật như sắp rời ra khỏi lợi. Tôi đâm chán đời, buồn tênh ngẫm lại cuộc đời trong cái lỗ miệng tối om.

Cho đến một ngày kia, tôi nằm thần ra mà nghe tê tê một nỗi buồn , ấy là hôm thằng em tôi ra đi vĩnh viễn. Tự nhiên nghe hụt hẫng , trống vắng, thiêu thiếu một cái gì, lúc nhìn xuống bên dưới thì thằng em tôi đã biến mất, chỉ còn trơ lại lòng huyệt lầy nhầy những sợi đỏ bầm như máu. Tưởng tượng đến mình khi ngày ấy sẽ tới, tôi như cứ muốn tuồn tuột đi vào cái lòng huyệt của thằng em.